Quy tắc xã hội vốn phức tạp, họ không nói nhưng chúng ta nên biết

 

Các bạn, hãy thử tượng tượng xem giả như bạn đang ngồi ăn lẩu, tôi mang nước chấm đi ngang người bạn, vô ý đi không vững nên làm văng tá lả vào người bạn.

Xin hỏi, lúc này tôi nên nói gì, làm gì mà có thể khiến bạn không thấy khó chịu nhỉ? 


A. Cố gắng giải thích và xin lỗi?

B. Lau chùi cho bạn?

C. Đền luôn tiền mua bộ đồ đấy cho bạn? 

==> Đại đa số mọi người rơi vào tình huống này thường sẽ chọn làm cái đầu tiên.

Cơ mà dù tôi có nói gì, làm gì đi chăng nữa, khẳng định là bạn vẫn thấy bực dọc trong lòng. Giả mà bạn là người trưởng thành, văn minh, lại lý trí, bạn sẽ xua tay bảo thôi không sao. Hoặc nếu bạn là một tay anh chị máu mặt, có thể đã đập cho tôi một trận.

Nói chung là làm kiểu gì thì kiểu, khó chịu vẫn cứ là khó chịu chứ nó chẳng biến đi đâu được cả. Vậy tôi phải làm thế nào đây? Đầu tiên, tôi nhất định phải đền quần áo cho bạn, rồi đưa quà xin lỗi.

Sau đó? Tôi biết bạn vẫn còn khó chịu, nhưng tôi không còn cách nào khác. Tôi chỉ có thể làm đến vậy mà thôi. Tôi tuyệt đối sẽ không suy xét xem phải làm cách nào mới có thể khiến bạn vui vẻ ra mặt, khiến bạn yêu quý con người tôi. Đó là việc vô bổ tự làm khổ mình.

Quy tắc xã hội tôi muốn nói ở đây chính là: Làm người thì đừng nên dong dài nhiễu sự. Xã hội luôn có sự bất hòa, ngay cả khi mọi người đều có ý niệm tốt bụng trong đầu thì vẫn sẽ tồn tại mâu thuẫn vì xung đột lợi ích. Mâu thuẫn tồn tại dưới hai dạng, tạm thời và gốc rễ.

Thế nào là tạm thời? Là khi tôi ngứa tay muốn đấm nhau với bạn, chuyện này hoàn toàn có thể tránh né được. Giống như khi bạn khiêng cái bàn đi qua cửa, đi ngang thì không được, nhưng đi sang một bên thì được. Việc "không qua đi được" ở vế đầu đã có biện pháp để thay thế.

Nhưng ví như tôi và bạn đang tranh chức quản lý, tôi thăng chức thì bạn bị đuổi việc ngay. Đây là mâu thuẫn gốc rễ, giống như bạn muốn đem con voi vào trong nhà, thì dù bạn có làm gì đi chăng nữa cũng vẫn là "không qua được". Cả hai chúng tôi đều là người tốt, có mối quan hệ vững chắc với nhau. Năng lực của tôi giỏi hơn bạn, đây là cuộc cạnh tranh hoàn toàn công bằng. Tôi được thăng chức, bạn thì không.

Hỏi bạn có vui hay không? Bạn! Không! Vui! Nổi! Có thể bạn sẽ ngồi nói lí lẽ, chẳng thèm giở trò bẩn sau lưng, cũng không bực dọc ra mặt. Nhưng không vui chính là không vui, không có đạo lí gì cần nói ở đây cả.

Việc này mang đến sự giác ngộ quan trọng nhất đối với chúng ta là: sống trong một đám đông, bạn phải chuẩn bị tâm lí sẵn sàng để đối phó với với sự ghét bỏ và không niềm nở của những người khác.

Tôi không bảo bạn phải hẹp hòi hay gặp ai cũng đấu đá, chỉ muốn nói là bạn phải hiểu rằng: những chuyện gì nên làm thì cứ liều mình mà làm, kiểu gì cũng sẽ làm phật lòng người khác thôi. Với những người mà bạn buộc phải làm phật lòng, cứ cư xử quân tử với họ, nhưng đừng mộng tưởng rằng bạn có thể lấy lòng họ lại lần nữa chỉ bằng vài câu dễ nghe hay đôi ba hành động nào đó.

Đồng nghiệp cùng nhau gia nhập công ty, bạn thăng tiến trên sự nghiệp thì sẽ có người không vui. Người ta không vui âu cũng là chuyện thường, bạn thăng tiến là điều hiển nhiên. Nhưng nếu hai bên đã hình thành mâu thuẫn, bạn đừng dây dưa với họ thêm làm gì.

Bạn mời người ta một bữa cơm, dắt người ta đi nhậu thì có thể thay đổi sự thật rằng bạn "cướp" vị trí của họ ư? Ví như bạn thân nối khổ giờ nghèo rớt mồng tơi, tết đến bạn lái con Mẹc về chơi, người ta nhìn cũng thấy cay đắng trong lòng. Giờ bạn có hạ mình cúi đầu, có rủ người ta đi nhậu kể chuyện xưa cũ cũng chẳng khiến phiền muộn trong lòng họ tan biến.

Tôi đã từng chứng kiến ​​rất nhiều đồng nghiệp được thăng chức đi lấy lòng đồng nghiệp không được thăng chức, bạn phất lên giàu có đi lấy lòng đứa bạn vẫn nghèo rớt của mình, cấp dưới phạm tội tày trời bị sếp xử phạt xong thì đi tìm cấp dưới hơn để tâm sự và cứu vãn hình tượng bản thân, người được người ta nhờ vả rồi ra tay giúp đỡ nhưng chuyện không thành lại phải cúi đầu đi xin lỗi.

Tôi chỉ có thể nói là: chuyện gì nên làm thì cứ làm, nhưng bạn phải hiểu trong lòng rằng, việc bản thân làm hoàn toàn là vô dụng. Bạn làm chuyện chính trực, không trái lương tâm là một chuyện, bạn không làm chuyện xấu nhưng vẫn có người ghét bạn lại là chuyện khác.

Cuối cùng xin kể một câu chuyện thế này, thằng em cùng khoa với tôi có năng lực làm việc cực đỉnh. Thằng cu ấy làm việc một công ty trong 3 năm và khiến cả bộ phận đấy phất lên. Sau này nó tìm được một công việc còn tốt hơn, thế là sẵn sàng chuyển chỗ làm.

Chuyện đầu tiên thằng cu làm là gì? Nó báo trước với sếp nửa năm là em sắp phải đi, em sẽ từ từ bàn giao công việc lại với anh. Sếp nhất định sẽ thấy khó chịu, người giỏi như vậy đi rồi về sau công ty sẽ hơi mệt mỏi đây. Thế là sếp vừa gây áp lực, rỉ rả về quãng thời gian 3 năm đào tạo nó, lại vừa gọi điện thoại cho chỗ thằng cu định đến làm, dĩ nhiên không phải để nói xấu mà là chất vấn: Cậu ta nghỉ việc là do tự đi tìm các bạn hay các bạn đi tìm anh ta?

Nói chung là ông sếp chọt chỗ này, chọt chỗ kia một cái. Cuối cùng, đàn em của tôi nói rằng cu cậu muốn đi quá, nhưng lại không muốn khiến sếp khó xử. Làm hết nửa năm, thằng cu lại dính thêm một dự án lớn, thế là mất thêm ba tháng nữa mới rời công ty được. Đi rồi nhưng nó vẫn còn liên lạc với đồng nghiệp cũ vì sợ người ta tiếp nhận công việc của nó chưa quen.

Tôi kết luận về chuyện của nó như này: vụ kiện ly hôn đấu tranh cả năm trời, suốt vụ kiện vợ chồng ngủ chung giường, ăn chung nồi, không tức chết thì nhìn nhau cũng gớm đến phát nhợn. Đàn em của tôi sai ở đâu đây?

Cảm thấy bản thân ra đi lúc ấy là hoàn toàn chính đáng (hiển nhiên rồi), nhưng lại không nên để sếp giận. Thế là tự mình bàn giao công việc một cách rõ ràng, trả lời khôn khéo trước sự chất vấn của sếp. Sau đó lại tỉ mẩn hoàn thành dự án lớn cuối cùng cho công ty, rồi lại chia tay công ty trong hòa bình, vẫn xem nhau là bạn bè. Đây gọi là tuổi trẻ chưa trải sự đời.

Một người có năng lực làm việc giỏi giang đến vậy, nhảy qua công ty đối thủ, đối với ông chủ của một doanh nghiệp tư nhân mà nói, ông ta có thể nhìn bạn một cách thiện cảm được nữa sao? Bạn có thể bù đắp lại được gì cho ông ta à? Không đời nào, đừng nên ảo tưởng.

Đây là mâu thuẫn từ gốc rễ, trăm ngàn lần đừng tưởng rằng bạn có thể lấy lòng họ lại như xưa. Người ta đúng là sẽ không vui, gặp mặt thì nhỏ nhen soi mói. Bạn và sếp cũ đã gây thù với nhau rồi, phải nên chấp nhận việc trong đời có người vừa nhắc đến bạn đã tức đến nghiến răng nghiến lợi đi.

Tôi cho đàn em một phương án khác thế này: Cứ theo luật quốc tế, ba tháng trước khi rời công ty sẽ thông báo cho sếp. Đây gọi là grace period - thời gian gia hạn (sáu đến mười hai tháng đối với quản lý cấp cao, đây là doanh nghiệp nhỏ nên thôi khỏi tính tới).

Ba tháng này, cái gì cũng đừng dây dưa, tìm người thay thế vị trí của mình, bàn giao công tác. 3 tháng sau, thủ tục xong xuôi, không ôm việc vào người, không đến làm chuyện rỗi hơi. Người ta không thù bạn, thế tốt, tương lai hẵng còn dài. Còn người ta thù bạn? Thế cứ để họ thù đi, chứ bạn còn muốn sao nữa?

Cũng là chuyện xin nghỉ việc, một ông anh là nhân viên sale mà tôi quen đã nói với tôi như thế này: "Lúc đó 80% doanh số của công ty là do anh mày làm ra. Anh đi rồi, sếp tức điên người. Giờ thì ông già ấy về hưu, chuyện cũng được 10 năm rồi. Thế mà tháng trước đi tiệc còn mắng anh mày là cái thứ gì đâu haha."

Bạn thấy đấy, chuyện chính là như vậy. Không phải là bảo bạn đi oán hận gì ông già ấy, nhưng bạn phải thừa nhận rằng, dù bạn có làm gì đi chăng nữa, thế gian này vẫn sẽ luôn có người cảm thấy bạn là đồ không ra gì.

Đừng sợ gây thù, đừng dây dưa với người không đáng, bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người được đâu. Thế nên mới nói, người tốt thì cũng phải biết cư xử làm sao cho giỏi giang chút, chính là đạo lí như vậy.

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét