Các bước để xuất bản một cuốn sách


1. Note này chỉ như một dạng introduction để các bạn tiện hình dung các bước. Các bạn muốn tự xuất bản sách, nên tìm gặp trực tiếp một ai đó hiện đang làm trong lĩnh vực xuất bản để hỏi han thêm cho trường hợp cụ thể của mình. (Mình giờ đã làm nghề khác nên chắc không giúp các bạn được)
2. Nếu không quen ai mà muốn làm sách, in sách thì phải tự ra đường mày mò và google thôi. Các bạn muốn in sách loại gì, thì việc đầu tiên là phải tìm NXB phù hợp. Cách tìm có nêu trong bài.
3. Mình ít khi check request message, có khi mấy tháng mới check một lần.
Mình viết ra mấy cái này dựa trên kinh nghiệm cá nhân của một người từng làm trong một công ty sách và giới thiệu nhà xuất bản cho một vài tác giả nhé. Anh chị em nào làm xuất bản mà thấy thiếu sót gì xin bổ sung thêm.
GIAI ĐOẠN 1: CHUẨN BỊ BẢN THẢO, CHỌN NƠI XUẤT BẢN, MUA BẢN QUYỀN

Trường hợp bạn là tác giả.

Có hai kiểu tác giả.
Tác giả mà là hot blogger, có sẵn tác phẩm đăng ở website/blog/facebook của mình, được dăm bảy nghìn like thì các nhà xuất bản sẽ tự tìm đến. Nghệ thuật câu like không phải sở trường của mình nên mình xin miễn có ý kiến.
Tác giả chưa hot, nhưng tin rằng mình ra sách thì sẽ hot, cần hoàn thành tác phẩm của mình và gửi cho các nhà xuất bản. Trước đây, khi mình còn làm NN, có khá nhiều tác giả gửi các đề cương tác phẩm cho bọn mình và nói: Nếu NXB thấy hay thì em xin viết tiếp. Không nên làm như vậy, trừ trường hợp bạn là người thân thiết với giám đốc NXB. Nếu bạn không thân thiết với ai, thì có nguy cơ cao họ sẽ bỏ qua đề cương của bạn.
Vậy, bước thứ nhất là viết cho xong.
Bước thứ hai, tìm nhà xuất bản phù hợp. Trên thị trường bây giờ có rất nhiều nhà xuất bản tư nhân – hay còn được gọi là các công ty sách. Mỗi NXB lại có một tiêu chí. Bí quyết chọn là gì? Bạn tìm trên giá sách của các hiệu sách một cuốn mà bạn cho rằng gần tương đồng nhất với tác phẩm của mình và liên hệ với công ty sách đó. Công ty này từ chối thì bạn hỏi công ty khác. Nếu bạn gửi chừng 2 tuần mà không thấy họ trả lời thì cũng nên đổi công ty luôn.
Nếu bạn may mắn quen biết với một ai đó trong NXB mà bạn nhắm tới, hãy nhờ vả họ.
Bước thứ ba, nếu công ty sách đã nhận xuất bản sách của bạn, họ sẽ gửi cho bạn một mẫu hợp đồng với các điều khoản cụ thể. Cái này là chuyện tế nhị và chính sách của từng công ty, nên mình không thể tiết lộ cụ thể. Tuy nhiên, bạn đừng sốc khi thấy con số nhuận bút của bạn (được tính theo % bản in và giá bìa) lại chẳng hề cao như bạn mong chờ. Bất cứ một ai từng tự in sách, sau khi vất vả cho sách ra đời, cũng sẽ nhận ra rằng tỉ lệ % đó không có gì là quá bất công (nhưng nhận định này cũng không phải là đúng cho tất cả các trường hợp nhé).
Bước thứ tư, trong trường hợp bạn viết sách cho trẻ em và cần minh họa. Bạn nên đề nghị nhà xuất bản cho tham gia vào phần bàn bạc với họa sĩ. Các họa sĩ cần điều này, bạn cũng cần điều này.
Bước thứ năm, ngồi chờ ngày ra sách và muốn mần chi thì mần.

Trường hợp bạn là dịch giả

Có hai kiểu dịch giả.
Kiểu dịch giả được công ty sách nhờ cậy thì đơn giản, mình cũng không cần bàn đến nữa.
Kiểu dịch giả tự nhiên tìm được một cuốn sách hay, muốn dịch và xuất bản ở Việt Nam.
Bước thứ nhất là bạn nên tìm hiểu sách ấy đã được công ty sách nào in ra chưa, đã bán trên thị trường chưa. Google một phút là ra, trong trường hợp sách đã được xuất bản. Nếu sách chưa có ai xuất bản tại Việt Nam, bạn nên tiến hành bước thứ hai.
Bước thứ hai, giới thiệu nó đến một nhà xuất bản. Nhà xuất bản làm sách dịch ở Việt Nam có Nhã Nam, Trẻ, Thái Hà, Alpha Book… Tùy theo thể loại sách của bạn, bạn nên tự chọn lấy nhà sách phù hợp. Nếu công ty sách ưng bụng sách bạn giới thiệu, họ sẽ tìm mua bản quyền, biên tập lại bản dịch của bạn và cho ra sách.
Tuy nhiên, sẽ luôn có một khả năng, dù nhỏ - là dù họ rất ưng cuốn sách bạn giới thiệu, nhưng họ không ưng bản dịch của bạn. Đừng coi đó là vấn đề cá nhân, dù nó rất cá nhân. Điều ấy có nghĩa là bạn cần cố gắng hơn nữa trong việc dịch sách. Giỏi ngoại ngữ không phải là tất cả.
Bước thứ hai – trong trường hợp bạn là dịch giả và muốn tự in sách: Bạn phải mua bản quyền. Bạn có thể tìm ra agency của tác giả bằng cách google hoặc gửi mail qua website chính thức của họ. Chuyện mua bản quyền khó hay dễ tùy thuộc vào từng trường hợp. Nhưng nếu bạn muốn mua bản quyền sách của một tác giả nổi tiếng, popular, đương đại thì khả năng bạn tự mua được bản quyền rất thấp.
Tại sao? Hầu hết các tác giả lớn trên thế giới đều do các agency lớn quản lý. Các agency lớn đó lại có các agency trung gian theo khu vực. Trong trường hợp của Việt Nam, nhiều agency lớn làm việc thông qua một agency trung gian ở Thái Lan, có tên là Tuttle-Mori, và Tuttle-Mori sẽ thích làm việc với các công ty sách hơn với bạn. Các agency cũng thường giữ mối quan hệ với các cty sách tại Việt Nam bằng cách ưu tiên giới thiệu các tác giả lớn và best-seller cho họ. Đặc biệt, nếu bạn muốn mua bản quyền sách của một tác giả lớn đã có sách bán tại Việt Nam, thì agency luôn hỏi ý kiến NXB đã in sách của họ trước xem NXB ấy có muốn mua bản quyền cuốn đó không. Nếu NXB nói Không, họ mới để ý đến bạn. Và các NXB ít khi nói Không lắm.
Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là bạn không có cơ hội. Cứ thử. Vì tác giả không quá popular, thì cơ hội vẫn nằm trong tay bạn.
Và cũng vẫn có một khả năng là dù bản quyền có thể vào tay bạn, nhưng tác giả không ưng bản dịch của bạn. He he.
GIAI ĐOẠN 2: (NẾU) TỰ XIN GIẤY PHÉP VÀ IN SÁCH

Áp dụng cho cả trường hợp TÁC GIẢ và DỊCH GIẢ tự in sách (Phần này là của bạn
Trần Duy Nguyễn chia sẻ).
Bạn cần liên hệ với một NXB Nhà nước để xin liên kết xuất bản, hay dân gian vẫn gọi là mua giấy phép. Tùy nhà xuất bản sẽ khó hay dễ, nhưng quy trình thường là sẽ qua các bước sau:
- NXB nhận bản thảo hoàn chỉnh, đã dàn trang và thiết kế bìa.
- NXB tiến hành đăng ký giấy phép (nhanh nhất là trong thời gian 7 ngày làm việc) và tiến hành đọc duyệt nội dung bản thảo (thời gian duyệt bản thảo tùy vào nội dung, chất lượng bản thảo). Cụ thể:
- Biên tập viên (BTV) đọc bon lần 1 (Bon 1) và trình Ban Giám đốc duyệt bản thảo và chuyển lại cho người liên kết chỉnh sửa bản thảo theo đề xuất của BTV.
- Sau khi người liên kết chỉnh sửa xong bản thảo thì in bản mới (bon 2) kèm bản bon 1 chuyển lại NXB để BTV kiểm tra, đối chiếu và đề nghị cấp phép (bon 1 NXB sẽ lưu, bon 2 sẽ đóng dấu để người liên kết chuyển nhà in).
- Lúc này, người liên kết sẽ nhận được 1 giấy phép gọi là Quyết định xuất bản (có Quyết định xuất bản rồi thì mới được in sách)
- Khi đó người liên kết phải yêu cầu nhà in làm Hợp đồng in 3 bên gồm Nhà in, NXB và người liên kết. Nhà in và người liên kết ký tên, đóng dấu trước và gửi NXB ký sau (NXB sau ký tên đóng dấu sẽ gửi lại các bản lưu cho nhà in và người liên kết).
- Lưu ý: Tuyệt đối không ký Hợp đồng in 2 bên giữa Người liên kết và Nhà in vì sai qui định của Luật xuất bản, khi đó NXB sẽ không duyệt phát hành cho tác phẩm.
- Sách in xong Người liên kết phải nộp sách đã in cho NXB (Số lượng in từ 1.000 trở lên nộp 20 cuốn, số lượng 500 trở xuống nộp 15 cuốn) để tiến hành làm thủ tục lưu chiểu cho Cục Xuất bản in và Phát hành. Sau khi Cục Xuất bản In và Phát hành nhận được sách của NXB gửi, căn cứ vào ngày ký xác nhận của CXBIPH, 10 ngày sau, nếu CXBIPH không có ý kiến gì thì NXB sẽ ký Quyết định phát hành cho tác phẩm. (Dự kiến thời gian là 3 tuần – 1 tháng).
- Như vậy sẽ có 2 giấy phép liên quan: 1 là Quyết định xuất bản = cho phép in; 2 là Quyết định xuất bản = cho phép bán.
Bước thứ tư: Chọn nhà in, và in sách
- Kiểm tra nhà in có chức năng in xuất bản phẩm không, tốt nhất là sử dụng những nhà in trong trang lưu chiểu trên các sách đã bán trên thị trường.
- Phần này, khi in, tốt nhất bạn nên có một người tư vấn về kỹ thuật như dàn trang như thế nào, chỉnh hệ màu ra làm sao, phải canh lề, tràn nền như thế nào để sau khi in xong xén không bị mất nội dung.
- Có một ngộ nhận khá thông thường là nhà in sẽ in dư ra rồi đem đi bán gọi là sách lậu, thật ra là phụ thuộc vào đơn vị xuất bản hơn, vì nhà in họ không dư nguồn lực để in thêm ra rồi đem bán đâu, họ làm in là đủ giàu và bận rộn rồi. Chỉ có trường hợp đơn vị xuất bản chủ động xin giấy phép ít nhưng in nhiều hơn rồi đem bán thôi.

Lưu ý rằng toàn bộ note này chỉ để hướng dẫn cách xuất bản sách một cách hợp pháp. Các thông tin khác như làm sao để phát hành, mạng lưới nhà sách, làm sao để marketing, chiết khấu bán sách thế nào... mình hoàn toàn không thể bàn vì phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố, trong đó có mức độ quen biết và linh hoạt của bạn. Lời khuyên của mình dành cho bất kì ai muốn xuất bản sách là chọn một công ty sách tốt để hợp tác. In ra một cuốn sách chỉ là 30% của hành trình. Làm sao để bán được sách và deal với hệ thống phát hành mắc mệt hơn nhiều.

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét