Rốt cuộc một cô gái Trung Quốc phải chịu đựng những gì mới có thể thuận lợi trưởng thành?

 

8 tuổi: Tại sao em trai tôi mặc váy sẽ bị mất giá?

Tối nay lúc ăn cơm xong, mẹ muốn dắt tôi và em xuống lầu chơi.

Em trai muốn mặc váy của tôi, mẹ sợ em ấy khóc nên lấy cho em mặc.

Chị em tôi chơi dưới lầu, chú bán kẹo hỏi: “Sao con trai lại mặc váy vậy? Mặc váy vô sẽ mất giá đó!”

Lúc về tới nhà, tôi hỏi mẹ: “Tại sao em mặc váy của con sẽ mất giá ạ? Váy mặc đẹp mà!”

Mẹ chỉ cười mà không trả lời.

________________________


12 tuổi: Tại sao “cái đó” phải bỏ trong bọc đen?


Vào khoảng một tháng trước, tôi đang tắm thì phát hiện mình bị chảy máu, dọa tôi sợ chết khiếp luôn.

Tôi lén lút chạy đi cầu cứu mẹ, nghe xong mẹ không nói gì, chỉ mở ngăn kéo nằm sâu trong tủ quần áo ra, nhét cho tôi một bọc “cái đó”.

Bà ấy nhỏ giọng nói với tôi, sau này ngày 28 hàng tháng phải đem theo “cái đó”, nhớ phải bỏ vào trong một cái bọc đen. Kể từ hôm đó, dường như tôi và mẹ đã có một bí mật nho nhỏ không thể để người khác biết.

Tôi phát hiện ra mấy bạn nữ xung quanh cũng đem theo “cái đó”, cũng bỏ trong bọc đen.

Tôi ngại hỏi các bạn ấy, chắc các bạn ấy cũng ngại hỏi tôi.

Tại sao “cái đó” phải bỏ trong bọc đen?

________________________


15 tuổi: Tại sao con gái chủ động tỏ tình với con trai lại là đồ không biết xấu hổ?


Cô bạn Văn Văn của tôi gần đây đang yêu thầm một cậu bạn. Cậu ấy học lớp 9/7, mắt nhỏ, dáng người cao ráo, không quá mức đẹp trai nhưng lúc chơi bóng rổ lại rất ngầu.

Lớp chúng tôi và lớp 9/7 cùng học môn thể dục nên Văn Văn lúc nào cũng kéo tôi ra sân chạy bộ, giả vờ chạy ngang qua sân bóng rổ sau đó lén nhìn cậu ấy.

Cô ấy thức ba đêm liền để viết một lá thư tình nhưng đáng tiếc vẫn chưa kịp gửi đi đã bị bạn cùng bàn “chặn đường”.

Lí do rất đơn giản: Nếu con trai thích cậu họ đã sớm nói cho cậu biết rồi. Con gái mà chủ động tỏ tình thì càng chịu thiệt thòi, càng mất mặt hơn thôi!

Văn Văn lặng lẽ giấu bức thư tình đó đi, cả tiết tự học hôm đó cũng không nói thêm lời nào nữa.

Tại sao con gái chủ động tỏ tình sẽ chịu thiệt chứ? Ở đâu ra cái lý do củ chuối này vậy!

Tôi đã an ủi cậu ấy như thế đấy. Nhưng nếu là bạn, bạn dám chủ động không?

________________________


19 tuổi: Tại sao Sư phạm là ngành hợp với con gái nhất?


Thi rớt đại học rồi, ngay cả tư cách lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân cũng không có.

Người nhà đã thảo luận mấy ngày rồi, quyết định cho tôi vào học ngành sư phạm tiếng Anh. Tôi nói rằng mình không thích làm giáo viên, ba lập tức chặn lời tôi: “Mày thì hiểu cái gì, con gái làm giáo viên tốt biết bao nhiêu, được nghỉ đông và nghỉ hè, công việc lại ổn định, môi trường học đường cũng dễ thở nữa.”

Làm giáo viên tốt vậy sao chỉ hợp với con gái? Con trai không làm được à?

Không đợi tôi hỏi, ba lại bổ sung thêm một câu: “Con nghĩ đi, làm giáo viên có thời gian chăm sóc gia đình, còn có thể dạy dỗ con cái, sau này cũng dễ lấy chồng nữa.”

Tôi chả biết nên khóc hay nên cười đây, hôm qua còn hỏi tôi có yêu sớm không, hôm nay đã muốn gả tôi đi rồi.

Chỉ là chọn chuyên ngành đại học thôi mà đã muốn cân nhắc đến cả việc sau này có thể “phục vụ” gia đình hay không rồi. Tôi là công cụ à?

________________________


22 tuổi: Con gái bị xâm hại, tại sao phải xem lại bản thân mình?


Dạo gần đây tôi không dám đi làm gia sư bởi gần trường đã xảy ra một việc vô cùng đáng sợ: một sinh viên nữ đã bị xâm hại.

Tuy rằng thủ phạm sẽ bị bắt rất nhanh thôi thế nhưng rất nhiều người lại để ý tới cô nữ sinh đó:

“Bạn gặp tên xấu xa đó lúc mấy giờ? Lúc đó mặc đồ thế nào?”

“Đi vào mấy con hẻm nhỏ đúng không? Trông có xinh đẹp không? Có makeup không?”

Các bạn nữ trong lớp ai cũng cảm thấy lo sợ, bất an. Buổi tối không ai dám ra đường, cất hết toàn bộ váy vóc và quần ngắn đi, cũng ít trang điểm lại, cố gắng khiến bản thân trở nên “giản dị”.

Mỗi ngày mẹ tôi đều gọi điện đến, bảo tôi đừng chạy loạn bên ngoài nữa, còn đặc biệt căn dặn tôi vứt hết mấy cái quần jean rách đi.

Bà ấy nói làm vậy là vì tốt cho tôi, nhưng bà ấy càng nói thế tôi càng cảm thấy mệt mỏi.

Thật kì lạ, ba mẹ các bạn nam có gọi điện thoại đến bảo bọn họ đừng đi xâm hại con gái người khác không nhỉ?

________________________


25 tuổi: Tại sao chị gái phải giúp em trai mua nhà?


Hôm nay hẹn bạn đi ăn, ăn được một nửa thì ba mẹ cô ấy ở quê gọi điện lên.

Suốt cả buổi cô ấy đều đen mặt ậm ờ vài câu, trước khi cúp máy chỉ hỏi một câu: “Con không cần tiết kiệm tiền mua nhà sao?”

Quả nhiên, ba mẹ cô ấy lại gọi đến “nhắc” cô ấy gửi tiền về nhà.

Tốt nghiệp được 2 năm, tiền lương của cô ấy khá cao nhưng hầu như không có khoản tiền tiết kiệm nào, tất cả đều gửi về quê hết rồi. Bởi em trai cô ấy năm nay 22 tuổi, ở quê đã đến tuổi cần phải mua nhà, kết hôn rồi.

Vì không góp đủ tiền đặt cọc mà bản thân cô ấy và bạn trai dù ở bên nhau 5 năm vẫn không dám kết hôn.

“Vừa nãy tớ không nhịn được mà hỏi mẹ, con thì sao, con không cần tiết kiệm tiền mua nhà sao? Mẹ tớ còn rất ngạc nhiên hỏi tớ tại sao con gái lại phải gánh áp lực mua nhà trên lưng, không phải nên để bên nam mua sao?”

Suy nghĩ kĩ càng thì đây giống như một cái “bẫy” được làm riêng cho con gái vậy.

Ba mẹ sẽ khuyên con gái của mình không cần phải làm việc cực khổ, không cần phải tiết kiệm nhiều tiền cũng không cần tự mình mua nhà làm gì.

Thế nhưng một cô gái không dốc sức làm việc, không có nhiều tiền, không thể tự mình mua nhà, chỉ có thể ỷ lại vào người yêu thì cuộc sống sau này sẽ thế nào?


- Dạo này công việc có bận không?

- Vẫn ổn ạ, đôi khi phải tăng ca thôi.

- Tháng này khi nào con gửi tiền về? Năm nay em con đã 22 tuổi rồi, phải chuẩn bị mua nhà để kêt hôn rồi. Con nhớ gửi nhiều tiền tí nhé.

________________________


27 tuổi: Tại sao con gái không kết hôn sẽ trở thành đồ bỏ đi?


Cảm thấy đến năm 27 tuổi thì mọi người xung quanh bạn đều hối thúc bạn kết hôn.

Ba mẹ, bạn bè, cô Bảy dì Tám thậm chí cả dì bán rau ở ngoài chợ cũng nhiều chuyện nói một câu: “Lại nấu cơm một mình à, cháu vẫn nên tìm một người tốt để gả đi.”

Giống như đời người có một chiếc đồng hồ vậy, đến giờ rồi nhưng không làm thì nó sẽ kêu không ngừng.

Vậy nên hồi chiều tôi lại đi xem mắt rồi, một người bên ngành kĩ thuật dì Hai giới thiệu cho, cũng khá ổn.

Sau khi kết thúc dì Hai gọi điện đến bảo tôi phải nắm chặt lấy, bỏ lỡ rồi thì sẽ hối hận.

“Phụ nữ ấy à, qua 30 tuổi sẽ bắt đầu mất giá. Đến lúc đó muốn tìm đối tượng sẽ rất khó.”

“Nhưng đàn ông thì lại khác, 40 tuổi vẫn là một cành hoa.”

Có lẽ dì ấy cũng muốn tốt cho tôi, nhưng… tại sao giá trị của tôi lại được phán xét bởi một người đàn ông hay một cuộc hôn nhân chứ?

________________________


29 tuổi: Tại sao những câu như “Kết hôn chưa? Sinh con chưa? Chừng nào mới sinh?” lại trở thành câu hỏi dành cho phụ nữ khi phỏng vấn?


Có người bạn giới thiệu tôi đến làm tài vụ cho một công ty.

Lúc bắt đầu vô cùng thuận lợi, đến khi bên nhân sự chuyển chủ đề: “Cô đã kết hôn hay chưa?”

Tôi có thể đoán được tiếp theo bà ấy sẽ hỏi gì:

“Vậy cô có định sinh con không? Định khi nào sinh?”

Bâng quơ như đang hỏi tối nay tôi muốn ăn gì vậy nhưng lại khiến tôi trở nên căng thẳng trong chốc lát.

Tôi trả lời rất cẩn thận: “Tôi vẫn còn đang suy nghĩ.”

Bà ấy nói: “Cũng đúng, sống trên đời mà không sinh con thì cuộc sống sẽ không được trọn vẹn.”

Sau đó bà ấy bảo tôi về nhà đợi thông báo, quả nhiên lại bị từ chối rồi.

Bà ấy cũng cảm thấy đáng tiếc vì năng lực của tôi cực kì phù hợp với vị trí đó nhưng lại lo sau khi tôi có con sẽ không tự giác đặt công việc lên trên gia đình.

“Tôi cũng là phụ nữ, tôi hiểu chúng ta không giống như đàn ông bọn họ, dù có ý định sinh con cũng có thể hoàn thành tốt công việc.”

Rất ít người quan tâm xem đàn ông có thể lo chu toàn cho gia đình và công việc hay không và hình như hai từ “gia đình” và “bà chủ” trời sinh vốn đã phải gắn liền với nhau rồi.


“Xin chào cô Trương, công ty chúng vô cùng tán thưởng tài năng của cô, cũng rất sẵn lòng hợp tác cùng cô. Thế nhưng rất lấy làm tiếc bởi lý tưởng của cô và công ty chúng tôi không giống nhau, tạm thời không thể có cơ hội hợp tác cùng nhau phát triển. Hi vọng cô có thể thông cảm.”

________________________


31 tuổi: Tại sao trọng trách chăm sóc con cái đều đổ hết lên người tôi?


Dạo gần đây Viên Viên thường tỉnh giấc lúc nửa đêm, vừa khóc vừa quấy. Cho ăn no rồi cũng khóc, thay tã rồi vẫn khóc, đặt vào trong nôi rồi vẫn khóc.

Tôi chỉ có thể chạy ngay đến chỗ con, còn chồng tôi đã ngủ ngoài phòng khách hơn một tháng rồi, đoán chừng giờ đang mơ đẹp lắm.

Có phải tất cả mẹ chồng đều thế này không?

Khi chưa sinh em bé ra mẹ chồng nói với tôi: “Cứ việc sinh đi, mẹ sẽ giúp tụi con trông cháu.”

Sau khi sinh xong lại nói: “Con bế nó đi, con nít vẫn nên gần mẹ.”

Tôi ôm Viên Viên đi vòng vòng trong phòng, cánh tay đau đến mức sắp đứt ra rồi. Lúc đi đến vòng thứ 30 thì trời cũng bắt đầu sáng.

Trước khi chồng đi làm theo thường lệ ôm tôi một cái: “Sao sắc mặt em tệ thế? Haiz, vợ anh vất vả rồi”.

Nhìn thấy anh ấy cả người ăn mặc chải chuốt gọn gàng lại cúi đầu nhìn bản thân từ trên xuống dưới, nút áo ngủ bị con kéo đứt cả rồi.

________________________


33 tuổi: Tại sao chồng biết làm việc nhà là 1 người đàn ông tốt nhưng tôi làm việc nhà lại là bổn phận của phụ nữ?


Hôm nay hai người chị chồng của tôi đến nhà ăn cơm.

Khó lắm họ mới đến một lần nên chồng tôi muốn trổ tài, vào bếp làm tới làm lui cả nửa ngày chiên được một dĩa trứng chiên với hành tây.

Mẹ chồng lại khen không ngớt: “Con trai mẹ ở ngoài làm việc cực khổ, về nhà còn phụ giúp nấu cơm, người chồng thế này có thể đi đâu mà tìm cơ chứ?”

Tôi biết mẹ đang nói để tôi nghe nên nói: “Mẹ à, bình thường những chuyện này đều là con làm.”

Bà ấy lại không cho là đúng: “Chồng con giờ đã là trưởng phòng rồi, mỗi ngày đều phải tăng ca, đi xã giao với khách. Còn con thì sao, chỉ ở nhà nấu cơm, chăm con thôi có gì khó đâu?”

Hai người chị chồng cũng tiếp lời, nói rằng ngưỡng mộ chồng tôi mỗi tháng đều cho tôi tiền tiêu vặt để mua đồ.

Tôi rất muốn nổi giận ngay lúc đó nhưng bị chồng giữ lại, vẫn là câu nói đó: Anh biết em cực khổ, đừng để trong lòng.

Tôi kìm nén đến mức hoảng luôn, ăn hai đũa cơm liền vào phòng với con, còn loáng thoáng nghe được lời bọn họ chế giễu tôi, nói tôi chả giỏi giang gì chỉ biết làm mình làm mẩy.

Haiz, đều là phụ nữ tội tình gì phải làm khó nhau như vậy?

________________________


35 tuổi: Tại sao sau khi cô ấy chịu bạo lực gia đình vẫn bị chỉ trích?


Lúc tôi đi siêu thị mua đồ, nghe nói trong tiểu khu có người bị bạo lực gia đình. Người vợ được đưa đến bệnh viện còn người chồng vào đồn công an rồi.

Mấy bà hàng xóm tụ lại với nhau đem việc này ra làm đề tài bàn tán:

“Nghe nói chồng cô ta ngoại tình đấy, cả chồng mình cũng quản không nổi.”

“Hay do cô vợ xét nét quá nên ông chồng mới cảm thấy bức bách?”

“Cái con nhỏ giật chồng đó không được chết tử tế đâu!”

Tôi đứng đó nghe một lúc lâu, nếu họ không chỉ trích người vợ thì sẽ quay sang mắng người phụ nữ kia, còn ông chồng đã ngoại tình còn đánh người kia cứ như không tồn tại vậy.

Sau khi về nhà, tôi nhắc chuyện này với chồng trên bàn ăn.

Anh ấy nhìn tôi rồi hỏi: “Cô vợ đó làm gì sai rồi à?” 

Tôi nói: “Sao anh lại hỏi như vậy, em đã nói rồi, là người đàn ông đó ngoại tình.”

Chồng tôi không nói tiếp nữa. Tôi nhìn đồ ăn trong chén, đột nhiên chẳng có hứng thú nữa.

________________________


37 tuổi: Mắc bệnh trầm cảm sau sinh thật sự chỉ là do tôi kì dị sao?

Chồng và mẹ chồng đều bảo dạo gần đây tôi nói chuyện ít hơn rồi.

Sau khi sinh đứa thứ hai, tôi thường động một tí là khóc, cảm thấy trong lòng khó chịu bức bối thở không ra hơi, đêm nào cũng mất ngủ.

Hôm trước có đến bệnh viện một chuyến, bác sĩ đã đề nghị tôi chuyển sang khoa tâm lý.

Bác sĩ Lý bảo tôi hoàn thành một tờ trắc nghiệm trông giống bài thi vậy, có khoảng trăm câu, cuối cùng xác định tôi bị trầm cảm sau sinh mức độ nhẹ.

Nói kết quả cho chồng tôi nghe, anh ấy nói:

“Cũng may chỉ ở mức độ nhẹ, lúc trước anh đã nói với em rồi, lúc bình thường đừng suy nghĩ nhiều quá.”

Tôi không biết trả lời anh ấy thế nào, loại cảm giác bí bách thở không ra hơi lại xuất hiện đồng thời có thể thấy rõ giữa chúng tôi đã bị ngăn cách bởi một bức tường.

Sáng hôm sau mẹ chồng lập tức chạy vào nhà, cầm theo một đống lớn đồ bổ. Bà nắm lấy tay tôi, bảo tôi nghỉ ngơi thật tốt, đừng làm ảnh hưởng đến bọn trẻ.

Tôi chỉ có thể gật đầu, chẳng còn hơi sức trả lời lại.

Trường trung học gần nhà tan học rồi, vừa nhìn từng tốp nữ sinh tụm lại nói cười với nhau, vừa nghe mẹ chồng mỉa mai hỏi chồng tôi sao tôi lại mắc phải căn bệnh quái dị này, tôi rất muốn biết: Liệu rằng những cô bé 19 tuổi đó có đoán trước được trong tương lai chúng sẽ là tôi ở hiện tại không?

________________________


40 tuổi: Nếu bạn có con gái bạn sẽ dạy dỗ nó như thế nào? Bạn hi vọng nó trở thành người như thế nào? Bạn hi vọng cuộc sống của con bé sẽ như thế nào?


Hôm nay đọc đọc một câu hỏi, cực kì giống bản thân: “Nếu tôi có con gái…”

Bản thân tôi có một cô con gái, vừa mới đón sinh nhật 10 tuổi xong. Chồng tôi tặng một chiếc váy công chúa màu hồng cho con bé, nó không thích, len lén bảo tôi vứt đi, đổi thành một đôi giày bóng rổ.

Ba con bé không vui, một mặt là vì món quà sinh nhật của mình bị “ghét bỏ”, mặt khác là vì do lắng, con gái chơi bóng rổ sẽ bị đám con trai bắt nạt.

“Chơi bóng rổ sẽ bị đen da đấy, mặc váy vào sẽ không đẹp đâu.”

“Vậy thì không mặc nữa.”

“Con gái chơi bóng rổ rất dễ bị thương.”

“Con trai thì không bị thương sao?”

“Bọn con trai chơi bóng rổ ra mồ hôi thúi hoắc à, con tránh xa bọn chúng ra.”

“Lúc con chơi bóng ra mồ hôi cũng thúi hoắc à.”

Nghe cuộc nói chuyện của hai cha con, tôi vừa muốn cười lại vừa muốn khóc.

Con gái tôi rất biết tranh cãi đấy. Bà nội bảo con bé nhường nhịn em trai, con bé không nhường; bạn nam cùng lớp bảo con bé nói chuyện dịu dàng chút, con bé liền mắng người ta một trận; chồng tôi bảo con bé đừng chơi bóng rổ mà hãy học múa ba lê, con bé vẫn cứ chơi bóng rổ, còn đem vứt chiếc váy màu hồng đi.

Con bé nói với tôi, lớn lên nó muốn vào đội tuyển quốc gia. Tôi nói, đến lúc đó nhớ cho mẹ vé xem thi đấu nhé.

Tôi có một cô con gái. Con bé mang giày size 36, không giống với những bé gái cùng tuổi; ước mơ của con bé to lớn và khác lạ, không giống với cuộc đời mà một bé gái “nên có”.

Tôi có một cô con gái, tôi hi vọng con bé có thể sống cuộc sống tự do và ưu việt, có thể sống trong một thế giới tự do và bình đẳng.

________________________


Xem xong sổ ghi chép của “cô ấy”, dường như cũng vừa lướt qua nửa đời trước của hơn 6 trăm triệu phụ nữ Trung Quốc.

Có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy, hình như “cô ấy” đã đủ may mắn rồi. So với những đứa bé gái vừa sinh ra đã bị giết chết, những đứa bé gái phải bỏ học từ sớm để đi làm công kiếm tiền cho anh em trai đi học, những người phụ nữ bận tối mặt tối mày hầu hạ cha mẹ chồng, bị chồng ngoại tình rồi đánh đập, những người phụ nữ bị xâm hại tình dục,… thì cuộc đời của “cô ấy” tuy rằng bình thường nhưng cũng hạnh phúc hơn rất nhiều người rồi.

Nhưng chính vì như vậy, chúng ta mới cần phải giữ thận trọng, luôn luôn suy nghĩ xem: Bạn có quyền mưu cầu cuộc sống như thế nào?

Lúc nào cũng có người dạy con gái phải biết nghe lời: Con phải sống thế này, con không được làm thế kia, con phải làm một người mẹ mẫu mực, một người vợ an phận thủ thường, một đứa con gái ngoan ngoãn hiểu chuyện. Nhưng hiếm ai nói với chúng rằng: Đi đi, hãy làm việc mà mình thích, hãy trở thành người mà con muốn.

Trong quá trình mưu cầu tự do và bình đẳng, những người phụ nữ ấy liên tục tìm kiếm, liên tục bị gắn nhiều cái mác khác nhau. Một phần là những nghi ngờ, phủ định, những thành kiến và cả sự khắt khe không bao giờ biến mất, luôn luôn xoay quanh họ. Mặt khác, lại có một vài người phụ nữ thích hạ thấp đàn ông, dễ đi theo hướng tiêu cực.

Mưu cầu tự do và độc lập cho phái nữ không phải là vì muốn gây ra sự thù địch về giới tính, cũng không phải là vì muốn có đặc quyền mà là vì muốn đem đến cho phụ nữ nhiều lựa chọn hơn, với tư cách là một con người hoàn toàn độc lập cùng tất cả những lựa chọn nên có.

Từ tận đáy lòng tôi hi vọng bạn có thể đủ hiểu bản thân mình, có dũng khí là chính mình.

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

tôi là ai . tỉnh nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét