Nãy anh Cửu cho tôi xem một bộ điện ảnh.
Đợt năm 2009, anh đi Phần Lan, rồi gặp được một kiến trúc sư, mà đấy cũng có lẽ là một nhà nghệ thuật, người đàn ông đó tặng anh chiếc đĩa DVD chứa đoạn phim này. Người đàn ông tên là Antii gì gì đó, cách phát âm tên của dân Phần Lan hơi khó nhớ.
Anh Antii vô tình mua được vài thước phim nhựa cũ ở một khu chợ trời chuyên bán đồ second-hand, chúng đều được chụp bằng máy quay phim loại 8 mm xưa xửa xừa xưa ấy. Anh ta mang về chiếu thì phát hiện ra rằng thứ mà đống phim nhựa kia ghi lại đều là mọi cảnh đẹp trên khắp thế giới. Anh ta xem xong, mới dần hiểu được một điều: Đây là do một người thuỷ thủ chụp lại. Ông ta vẫn luôn chụp đến năm hơn 80 tuổi, hình như thước phim cuối cùng là về Nam Cực. Antii cắt nối, biên tập chúng lại thành một bộ điện ảnh. Lúc anh Cửu ở Phần Lan cũng là lúc Antii vừa mới hoàn tất bộ phim, cũng chẳng có ai xem mấy, nên Antii tặng một chiếc DVD cho "chàng trai Trung Quốc thích bay nhảy" kia, tên của bộ phim: Jäävuoren varjoon (Dưới lớp băng trôi).
Bằng những thông tin có trong cuốn phim, Antii tìm được nhà của người thuỷ thủ già kia. Ông ấy đã mất vào năm 2001 rồi, cả đời ở vậy, chẳng kết hôn, thành viên trong gia đình gồm có mẹ và một cô em gái.
Trong bộ điện ảnh này, Antii đã sử dụng ngôi thứ nhất để trò chuyện với người thuỷ thủ già kia. Chẳng hạn, "còn có rất nhiều nơi ông chưa đặt chân tới phải không?"
Nửa đầu bộ phim xuất hiện rất nhiều bức thư viết gửi mẹ và em gái. Ông đi đến mọi miền đất trên thế giới, cũng gặp gỡ được người phụ nữ mình thích, ai đó hỏi ông: "Sao ông chưa lấy vợ?" Ông bảo: "Tôi đã có hai người phụ nữ tuyệt vời rồi."
Phần tiếp sau, mẹ và em gái của ông lần lượt qua đời. Từng người, từng người trong tấm ảnh đen trắng chụp cả gia đình kia bị cắt bỏ. Đến cuối cùng chỉ còn mình người thuỷ thủ già. Trong tấm ảnh ấy, ông vẫn còn bé tí teo, nhưng ta đã có thể cảm nhận được nỗi đau thương hiển hiện.
Nhưng, ông cũng đã thực sự tự do rồi, chẳng còn một trói buộc nào hết, bước chân của ông ngày càng sải rộng hơn. Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Phi, Peru... Chỉ có một vấn đề thôi, ấy là giờ chẳng có ai nhận những tấm bưu thiếp ông gửi nữa. Ông bắt đầu gửi cho hàng xóm, và cho cả chính mình.
Trong phim có những cánh chim, cánh bướm, côn trùng, rừng cây, sóng biển (vô cùng dữ dội), món hàng trong phiên chợ, cả người phụ nữ xinh đẹp. Ông quay một người con gái gốc Á, dừng hình trên khuôn mặt của nàng thật lâu, ông nói: "Đôi mắt ấy mới đẹp làm sao."
Năm 77 tuổi, thuyền của ông va phải đá ngầm ở Nam Cực, vài thước phim nhựa đã mãi vùi chôn tại nơi này. Ông rất chán nản. Nhưng bốn năm sau, ông lại về với Nam Cực, bởi ông cảm thấy "không thể đánh mất những kí ức kia". Ông đã 83 rồi. Và ông đã thành công, ông chụp được rất nhiều, rất nhiều khung cảnh của Nam Cực. Hải cẩu và chim cánh cụt, núi băng cao vời vợi, những chiếc bóng nhuốm màu xanh.
Sau chuyến hành trình đến Nam Cực, ông trở về và bắt đầu nghiên cứu cách bước lên mặt trăng. Ông học những kiến thức về thiên văn, tìm đủ mọi biện pháp. Ông muốn quay chụp về mặt trăng. Ông góp nhặt rất nhiều tài liệu. Nhưng, ông chẳng còn thời gian nữa rồi, ông đã quá già, ông qua đời năm 90 tuổi.
Không có một người thân nào xuất hiện trong buổi tang lễ của ông cả. Chẳng có ai nhận và bảo quản những món đồ của ông. Thước phim cũ kia bị coi như một thứ bỏ đi, nó trôi nổi mãi rồi đến với khu chợ trời.
Nhưng, ông được chôn cạnh mẹ và em gái của mình, ba tấm bia xếp thành hàng thẳng tắp.
Ở phần cuối của bộ điện ảnh, Antii nối hết tất cả những thước phim mà người thuỷ thủ này quay lại cảnh chim sải rộng cánh bay lại với nhau, sau đó phối với một bản nhạc piano vang réo rắt. Cứ bay rồi lại bay, bay mãi không ngừng nghỉ.
Một cuộc đời như vậy đã từng tồn tại.
Lúc Antii đưa đĩa DVD cho anh Cửu, anh ta nói: "Cậu xem thử đi, cũng chẳng mấy ai xem cả."
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét