REVIEW X ANALYSE
PLUTO- WHAT DOES IT MEAN TO BE HUMAN?
Vào năm 2003, trong khi nước Nhật đang tưng bừng kỉ niệm ngày sinh của Atom trong Astroboy (Atom là nhân vật đầu tiên trong manga/anime được cấp quyền công dân Nhật) thì có một bậc thầy manga đưa ra lời đề nghị kì lạ với Makato Tezuka về việc “kể lại” một tác phẩm của cha ông, huyền thoại Osamu Tezuka.
Người đó là Naoki Urasawa và tác phẩm mà ông ấy chọn, là arc nổi tiếng “The greatest robot on Earth” trong Astroboy. Naoki thừa nhận rằng đây là một thử thách thật sự. Để “kể lại” Astroboy một cách thỏa đáng quả thật không dễ dàng hay như Naoki nói, “áp lực khủng khiếp”.
Tồn tại một hiểu lầm thường thấy trong văn hóa đại chúng rằng truyện của Tezuka, không kể những tác phẩm trong “dark period”, đa số chỉ có “sâu sắc” chứ không “tăm tối”. Hiểu lầm này có lẽ khởi đầu từ phiên bản chuyển thể Astroboy 1963 khi Tezuka buộc phải giảm bớt độ dark so với bản gốc để bản anime đạt được độ phổ biến rộng hơn. Khi Astroboy 1963 được xuất qua Mỹ, một lần nữa, người ta phải giảm bớt độ dark của nó để phù hợp với trẻ con giai đoạn đó.
Bởi vậy mới có chuyện nghịch lý như này. Khi mà bản anime ngày càng nổi tiếng thì Tezuka ngày càng chán ghét “đứa con” Atom của ông. Đỉnh điểm là khi Tezuka “giết” Atom bằng cách để nó tông vào mặt trời để cứu thế giới trong episode cuối cùng “The greatest adventure on Earth”. Đó là vào năm 1966. Sau này, Tezuka lần này đến lần khác “hồi sinh”, rồi lại “giết” Atom, cứ thế.
“Atom là đứa con thân yêu nhất của tôi”. Và ông ta giết nó nhiều hơn bất kì đứa con nào từng được tạo ra. Để hiểu vì sao “God of manga” lại làm như vậy thì Pluto của Naoki Urasawa là một tác phẩm cần phải đọc.
Sau đây là một vài lưu ý trước khi đọc tiếp:
- Bài thiên về phân tích nên sẽ có nhiều spoiler. Nếu bạn chưa đọc Pluto thì làm ơn đọc xong rồi quay lại.
- Có một giả thuyết trong fandom Naoki rằng mỗi tác phẩm kể từ Monster trở đi đều là “tribute” đến “idol” Osamu Tezuka. Ví dự như Monster là về Black Jack và Adolf, 20th century boys và Billy bat có nhiều ref về Chim lửa. Thế nên tôi cho rằng, Pluto không đơn thuần chỉ là một tác phẩm kể lại arc “The greatest robot on Earth” mà là Naoki dựa trên arc này để làm “khung”. Qua đó ông ta không chỉ “kể lại” Astroboy, mà còn dùng nhiều tác phẩm khác (tôi sẽ dần làm rõ trong bài) để đặt ra câu hỏi đặc trưng trong vũ trụ manga của Tezuka- hai chữ “con người” có ý nghĩa gì? Bài phân tích này là nỗ lực để trả lời câu hỏi mà Naoki đặt ra trong Pluto hay chính Tezuka tự hỏi trong Mysterious Underground Men- tác phẩm khai sinh ra manga hiện đại.
DẪN NHẬP
MIMIO- CON THỎ BUỒN BÃ VÀ CHỦ NGHĨA HIỆN SINH
Mimio là một sản phẩm của khoa học. Một con thỏ bình thường được “trang bị” siêu trí tuệ thông qua thí nghiệm của con người. Như Frankenstein, nó là một ảo vọng của con người để thay thế Đấng sáng tạo. Nhưng khi được “sinh ra”, nó lại như Pinocchio, khao khát bước ra khỏi “cái lồng” tù túng, phiêu lưu tìm kiếm điều mà nó cho là quan trọng- trở thành “con người”.
Nhưng...thế nào là “con người”? Quan trọng hơn, tại sao lại là “con người”? Thần thánh chả phải là cao quý và quyền lực hơn hay sao? Ác quỷ chả phải là có thể gạt bỏ mọi ràng buộc luân lý, do đó tự do hơn hay sao? Hai chữ “con người” có gì mà ám ảnh con thỏ đó đến vậy?
Không một ai biết. Nhưng có cái gì đó thôi thúc Mimio. Nó tìm mọi cách để thành “người”. Ban đầu là quần áo. Rồi nó bắt chước cách con người nói chuyện và kết bạn.
Nhưng vô ích...
“Cút đi! Mày mãi mãi không thể trở thành con người được đâu!”
“Con thỏ buồn bã”, họ gọi như vậy. Và nó trở thành hình mẫu cho rất nhiều nhân vật nổi tiếng sau này của Tezuka, tìm kiếm “sự tồn tại” bằng cách cố trở thành “con người”. Trong số đó có một con robot tên là Atom. Nhưng khác với Tezuka, nhân vật mà Naoki chọn để “kể lại” Astroboy lại là Gesicht, một robot thám tử đến từ Đức.
SƠ LƯỢC VỀ CỐT TRUYỆN
Pluto lấy bối cảnh ở một tương lai xa xôi, khi công nghệ robot phát triển vượt bậc và trở thành một phần cuộc sống trong xã hội loài người. Robot ngày càng trở nên thông minh và “giống” con người (ít nhất là về ngoại hình), thế nên, “quyền Robot” dần trở thành đòi hỏi cần thiết để duy trì trật tự xã hội. Trong bối cảnh đó, bộ luật Robot ra đời với mục đích nhằm “hòa giải”, cân bằng lợi ích giữa hai phe người và robot. Con người thừa nhận quyền công dân và chung sống hòa bình với robot. Đổi lại, phe robot phải tuân thủ 10 nguyên tắc trong bộ luật Robot, cụ thể như sau:
1/ Robot được tạo ra để phục vụ con người.
2/ Robot không được phép gây tổn thương hoặc giết người.
3/ Robot phải gọi người tạo ra chúng là “cha”.
4/ Robot được phép chế tạo bất kì thứ gì, ngoại trừ tiền.
5/ Robot không được phép xuất cảnh nếu chưa có chấp thuận/giấy phép.
6/ Robot không được phép thay đổi giới tính, mọi vai trò trong xã hội (nam hoặc nữ) phải được giữ nguyên.
7/ Robot không được phép thay đổi diện mạo, ngoại hình hoặc thay đổi danh tính mà chưa có chấp thuận/giấy phép.
8/ Robot được tạo ra trong vai trò người lớn không được phép hành động như trẻ con.
9/ Robot không được phép chế tạo lại những robot đã bị con người loại bỏ (như nghiền nát, cho dừng hoạt động,v.v).
10/ Robot không được phép gây tổn hại nhà cửa và công cụ của con người.
Thế nhưng, bỗng xảy ra vụ án gây chấn động thế giới: Montblanc, 1 trong 7 robot tân tiến nhất thế giới, được cả robot lẫn con người yêu quý, bị xé toạc ra thành từng mảnh ngay tại quê nhà Thụy Sĩ của anh. Tại hiện trường, người ta phát hiện một biểu tượng- cặp sừng. Cùng lúc đó tại Đức, thành viên hàng đầu của Hiệp hội bảo vệ quyền Robot là Bernard Ranke cũng bị ai đó giết hại. Cặp sừng đó, lại lần nữa xuất hiện. Điều này dấy lên một mối lo khó chịu, đó là: Nếu hung thủ cả hai vụ là một người thì xảy ra mâu thuẫn. Nếu hắn xé nát được Montblanc, hắn nhất định phải là robot. Và để giết Ranke mà không để lại dấu vết, hắn cũng phải là robot. Nhưng Ranke lại là con người! Vậy thì giả sử không có mâu thuẫn xảy ra, đây sẽ là trường hợp robot giết người xảy ra lần thứ 2 trong lịch sử kể từ sau vụ Brau-1589 vào 8 năm trước.
Và thế là câu chuyện của chúng ta bắt đầu. Dùng Gesicht của Đức, 1 trong 7 Robot tân tiến, làm trung tâm, thông qua hành trình điều tra của nhân vật này, Naoki khiến người đọc cuốn theo nhịp truyện bởi những câu hỏi và bí ẩn nối tiếp nhau: Cặp sừng của thần chết- Pluto thực ra là kẻ nào? Là người hay robot? Tại sao nó không chỉ nhắm vào robot mà còn giết hại cả con người?
Việc robot có thể giết người bất chấp việc đi ngược lại luật robot chính là nơi mà Naoki gợi nên chủ đề trọng tâm và cũng là tranh cãi nhất trong Astroboy: xung đột và hòa giải.
XUNG ĐỘT GIỮA ROBOT VÀ CON NGƯỜI
Tezuka từng nói, nguyên nhân mà ông ta ngày càng chán ghét việc tiếp tục vẽ Astroboy chính là việc nó càng nổi tiếng thì truyền thông đại chúng và những khán giả xem anime ngày càng hiểu sai về những điều mà ông cố truyền tải. Astroboy không phải là một bộ sci-fi “hường phấn” với niềm tin bao la về công nghệ tương lai cũng như một xã hội nơi con người và robot sống hạnh phúc, hòa thuận với nhau mà là ngược lại. Nó là một hoài nghi rằng: liệu sự phát triển của công nghệ có thực sự luôn đem lại cho con người hạnh phúc?
Ở Phoenix Future, con người trao hết mọi quyết định cho 5 siêu máy tính và ngừng suy nghĩ. “Mặc gì, thích gì, làm gì, chiến tranh hay không, hãy để Halle Lujah quyết định!”. Loài người bởi phi lý trí, sống cảm xúc mà không nghĩ gì đến tương lai, do đó tự hủy diệt môi trường sống. Họ mất niềm tin, do vậy trao mọi quyết định cho những cỗ máy hoạt động bằng lý trí, đo đạc bằng logic. Nhưng mỉa mai thay, những cỗ máy kết luận rằng, bằng lý trí, tiêu diệt loài người là phương án tốt nhất để khôi phục sự sống trên Trái Đất.
Trong Phoenix Nostalgia, con người chế tạo robot để phục chính họ. Nhưng họ tạo nhiều đến mức khi Trái Đất hết chỗ chứa, chính quyền thẳng tay bắn bỏ những “người con” trở về Đất Mẹ thân yêu bởi lẽ “Eden đã không còn chỗ cho con người nữa rồi”.
Dường như rằng, có một sự xung đột không thể hòa giải giữa công nghệ, lý trí- đại diện bởi robot và tự nhiên, phi lý trí (cảm xúc)- đại diện bởi con người. Rằng nếu một trong hai “thắng thế”, đạt đến cực đoan sẽ là thảm họa.
Nhưng Tezuka không phải là một người bài xích công nghệ cũng như lý trí. Atom, “đứa con” yêu quý nhất của ông ta, được miêu tả là “thành tựu khoa học đáng tự hào của con người”. Tuy nhiên, điều khiến Atom đặc biệt, không chỉ là công nghệ tiên tiến, mà còn là “tính người” của nó.
TRỞ THÀNH “CON NGƯỜI”
Có câu chuyện thế này trong Apollo no Uta (Khúc ca thần Apollo). Khi loài người bởi sự ngu ngốc mà tự tay tàn phá môi trường sống của họ thì giống loài Synthian (người nhân tạo) trỗi dậy và thay thế con người. Synthian quyết định mọi thứ bằng lý trí, loại bỏ mọi cảm xúc và những thứ không cần thiết. Người nhân tạo không cần ăn uống để duy trì sự sống, nên dĩ nhiên họ không cần cơ quan tiêu hóa và bài tiết. Người nhân tạo không cần con cái để duy trì nòi giống, sinh mạng được tạo ra chỉ với cái bấm nút, dĩ nhiên là họ không cần tình dục lẫn tình yêu. Nhưng nữ hoàng loài Synthian muốn hiểu tình yêu là gì. Cô cho rằng bằng việc “bắt chước” con người, Synthian sẽ “học được” cái gọi là cảm xúc, là tình yêu. Thế rồi Shougo kể cô nghe một câu chuyện, về một con robot ngu ngốc. Nó muốn thể hiện tình yêu với chủ nhân. Nhưng nó không biết yêu có nghĩa là gì. Vậy nên nó bắt chước. Nó ôm chủ nhân như cách vợ ông ta vẫn làm hằng ngày. Nhưng thứ “tình yêu” đó quá mãnh liệt, còn vị chủ nhân, thứ cơ thể phàm tục đó lại quá yếu ớt để đón nhận. Trước khi con robot đó kịp nhận ra thì người mà nó “yêu” đã chết từ bao giờ. Shougo kết luận, cảm xúc hay tình yêu, không phải là thứ nhờ bắt chước mà có được.
Kết luận này của Shougo hay của Tezuka, được Naoki lặp đi lặp lại trong Pluto.
Vợ của robot Robby trả lời Gesicht sau khi nghe tin chồng cô ta đã chết:
“Anh dùng trà nhé? Nhưng anh là robot, anh cũng chỉ có thể giả vờ uống thôi. Bằng cách sống và làm những việc như con người, Robot chúng ta có thể nâng cấp kinh nghiệm, kể cả cảm xúc của con người.”
Hay như khi Duncan tức giận với Norse#2:
“Tiến bộ?! Với một cỗ máy, điều đó chỉ có nghĩa là ngươi chơi chính xác hơn!!! Cái thứ ngươi tạo ra không phải là âm nhạc!!! Cái thứ chết tiệt đó... chỉ có thể tạo ra những giai điệu với các mớ dữ liệu vô cảm!!! Nó không phải là âm nhạc!!!”
Nhưng tài tình nhất, vẫn là cách Naoki đưa ra lời mỉa mai trong hồi tưởng của Tenma. Trong chapter 38, Naoki đã sử dụng cái mà tôi tạm gọi là “tương phản kép”:
“Tobio, hôm nay con đã làm gì?”
“Hôm nay con có tiết học vào buổi sáng. Còn chiều con đã dọn phòng. Khi tìm thấy quyển sách về côn trùng trên kệ, nó hay đến nỗi con quên mất cả chuyện dọn dẹp, cứ cắm đầu mà đọc thôi.”
“Tobio, thức ăn có ngon không?”
“Vâng, ngon lắm ạ.”
“Ừ, ăn nhiều một chút...”
Ở đây, Naoki dùng kĩ thuật điện ảnh và lời thoại để thể hiện sự tương phản giữa 2 nhân vật Atom và Tenma. Nhân vật Tenma trong đoạn hội thoại này gần như không hề nhép miệng khi nói chuyện, mặt ông ta cũng ít thể hiện cảm xúc. Tương phản với Tenma là một Atom hồn nhiên, năng động. Cậu bé trả lời những câu hỏi của cha mình với thái độ vui vẻ, cử động của miệng luôn được thể hiện suốt chiều dài cuộc hội thoại. Dường như, Naoki thể hiện rõ hai hình ảnh trái ngược, tương phản với nhau. Một Tenma dù là con người nhưng “lạnh lùng”, “vô cảm” như robot. Và một Atom, là robot nhưng tràn đầy sức sống, cảm xúc như con người.
Tuy nhiên, đoạn hội thoại vẫn chưa kết thúc, Naoki tiếp tục bằng cách để Tenma tiết lộ sự thật:
“Tobio thật đã chết trong một tai nạn giao thông.”
“Nhưng giờ con đang ở đây này.”
“Tobio... rất lười dọn dẹp, phòng nó lúc nào cũng bừa bãi.”
“Okay, từ ngày mai con sẽ không dọn dẹp nữa...”
“Tobio... ghét học.”
“Được thôi, con sẽ không đi học luôn.”
“Tobio... cũng ghét những món ăn này.”
Dễ dàng thấy, Tenma vẫn tiếp tục lạnh lùng, Atom vẫn tiếp tục thể hiện cảm xúc. Thế nhưng, những cảm xúc của Atom có vẻ như bỗng trở nên giả tạo, bởi vì khi nghe Tenma kể về đứa con đã mất của ông, tức Tobio thật thì Tobio “fake” này ngay lập tức từ bỏ những gì “thuộc về nó” để lấy những gì “thuộc về người khác”. Bởi vì Tobio lười dọn dẹp, nên nó sẽ lười dọn dẹp. Bởi vì Tobio ghét học, nên nó cũng đột nhiên trở nên ghét đến trường. Một con robot cố bắt chước con người, cố tỏ vẻ ăn uống ngon lành để chiều lòng “cha” nó, như chết lặng khi Tenma tiết lộ, “Tobio... cũng ghét những món ăn này.”
Tương phản với một Atom “giả tạo”, Tenma bỗng trở nên có cảm xúc hơn bao giờ hết dù rằng về cử động và biểu hiện trên khuôn mặt, ông ta vẫn không thay đổi:
“Con có thích ta không?”
“Vâng, con yêu cha mà.”
“Ta luôn la mắng Tobio thậm tệ. Chắc chắn Tobio... cũng sẽ... ghét ta, cũng như...”
“Cũng như...” gì? Naoki bỏ lửng mà không giải thích. Thế nhưng với những ai từng đọc Astroboy cũng như arc nổi tiếng “The greatest robot on Earth” chắc sẽ dễ dàng nhận ra chỗ bỏ lửng đó ám chỉ không ai khác, ngoài Tenma. Nhiều người thường nghĩ rằng Atom chỉ là vật thay thế Tobio mà Tenma tạo ra. Và bởi vì ông ta thất vọng bởi nó không thể thay thế Tobio, Tenma bán nó cho rạp xiếc. Nhưng liệu đó có phải sự thật? Ta hãy nhìn vào một đoạn trong arc “The greatest robot on Earth”, khi Tenma biết rằng Atom đã bị Pluto “giết”:
“Hãy biến đi đồ quái vật... Ta không thể chịu đựng được khi nhìn thấy ngươi! Ta gia tăng sức mạnh cho Atom lên 1 triệu mã lực bởi vì... ta yêu nó, và bởi vì ta sợ ngươi sẽ giết chết nó. Hãy nhìn xem ngươi đã làm gì?”
Bởi vì không quan tâm đến con mình, Tenma đã để mất Tobio trong vụ tai nạn. Vậy nên khi Tenma bán Atom đi, lý do không phải vì ông ta không yêu thương nó (Tenma quan tâm, thậm chí là cứu Atom nhiều lần xuyên suốt Astroboy), mà bởi vì, ông ta căm ghét bản thân.
“Tobio...
Tobio... đứng
Tobio... chập chững. Tobio...”
Tenma dĩ nhiên không thể xem là một người cha tốt. Nhưng những gì ông ta thể hiện suốt đoạn hội thoại đó, hoàn toàn là những cảm xúc chân thật, một cảm xúc rất “người”, trái ngược hẳn với loại cảm xúc giả tạo của Atom.
Trong Monster, Naoki thông qua cái chết của Grimmer, Naoki cũng từng thể hiện sự xem trọng của ông đối với cảm xúc của con người:
“Con người... không thể mất đi cảm xúc.
Cảm xúc của tôi, cứ như thể từng thất lạc chốn xa xôi nào đó, nơi mà tôi không thể tìm thấy chúng. Như một lá thứ từ ai đó, sau hàng thập kỉ cuối cùng cũng đến nơi.
Điều này là đau khổ... hay là hạnh phúc?”
Tezuka cũng nói điều tương tự trong Phoenix Future, khi Masato phải lựa chọn giữa lý trí và cảm xúc, giữa tuân theo mệnh lệnh từ Halle Lujah và người anh yêu, Tamami:
“Không! Anh không thể! Làm sao anh có thể giết em? Anh thà chết còn hơn! Anh đã từng suốt thời gian dài, sống lạnh lùng như một cỗ máy, giống Rock... nhưng chính em đã giúp anh, đến cuối cùng, trở về, thành con người!”
Đến đây, chúng ta có thể tạm kết luận dựa trên các dẫn chứng đã nêu:
- Cảm xúc là quan trọng.
- Cảm xúc không phải là thứ có thể đạt được bằng cách “bắt chước”, mà phải qua sự tương tác, mối quan hệ giữa các hữu thể trong xã hội. Khi Duncan gọi thứ âm nhạc mà Norse#2 chơi không phải là “âm nhạc đích thực” không có nghĩa là Duncan cho rằng robot bằng cách bắt chước, không thể tạo ra âm nhạc (bằng chứng là Duncan sau đó khen Norse#2 đã có chút tiến bộ). Mà là ông ta đang phê phán, việc Norse#2 cố bắt chước dữ liệu về âm nhạc của Duncan và cố tái tạo lại nó là vô nghĩa. Bởi vì đó là thứ âm nhạc, mà Duncan dựa trên những cảm xúc để sáng tạo nên, mà bản thân những cảm xúc này, lại bắt nguồn từ chính những trải nghiệm tươi đẹp lẫn đau buồn của chính ông thời thơ ấu, ở Bohemia. Nói cách khác, thứ âm nhạc đó là cái gì đó thuộc riêng về Duncan. Đó là lý do khi Norse#2 bảo “Tôi đã có mọi dữ liệu của ngài, thưa chủ nhân Duncan” thì Duncan đáp trả “Hmm, dữ liệu của ta...”. Hai chữ “dữ liệu” trong thoại của Duncan, Naoki sử dụng ngoặc kép, hàm ý tách bạch với hai chữ “dữ liệu” trong câu của Norse#2. Với Duncan, “dữ liệu” đó chính là những kí ức, trải nghiệm của ông, chứ không phải thứ dữ liệu máy móc, số học, lạnh lùng mà Norse#2 nói đến.
- Cảm xúc là cần thiết với con người nhưng nó không phải lúc nào cũng đem lại cái gọi là “hạnh phúc”. Khi Tenma đánh thức “Trí thông minh nhân tạo hoàn hảo nhất” sau giấc ngủ dài bởi quá trình mô phỏng 7 tỷ nhân cách khắp thế giới, ông ta đặt vào nó một loại “cảm xúc mãnh liệt”- con chip ghi nhớ những trải nghiệm cuối đời của tiến sĩ Abra, lòng thù hận tột cùng với Thracia và cả thế giới. Nhưng khi Tenma đánh thức Atom trong trường hợp tương tự, ông ta cũng đặt vào nó một loại “cảm xúc mãnh liệt”. Đó là cảm xúc của Gesicht khi Robita, đứa con đầu lòng của anh ta bị giết hại. Đó là cảm xúc về Montblanc, một con robot yêu hòa bình bị xé thành từng mảnh. Đó là Norse#2, một cựu chiến binh đã chán ghét cảnh chém giết, chiếc áo choàng che giấu những khí tài ghê tởm một lần nữa được cởi ra, hi sinh để bảo vệ vị chủ nhân mà anh ta yêu quý. Là cảm xúc khi Brando nhớ về gia đình mình, những đứa con và người vợ hiền trước khi chìm sâu dưới đáy biển. Đó cũng là Hercules, một “chiến thần” đã không thể “cuồng sát như trước” bởi di chứng chiến tranh. Và cũng là Epsilon, “nỗi ô nhục trong chiến tranh”, dùng sức tàn để cứu lấy “những người bạn nhỏ” của anh khỏi cơn bão tàn độc.
Tại sao cùng là cảm xúc đau khổ, thù hận nhưng với Goji là hủy diệt thế giới, còn với Atom là bảo vệ? Với Goji là nối tiếp vòng tròn oán hận, còn với Atom, là chấm dứt nó bằng sự tha thứ?
Để hiểu vì sao cùng được “đánh thức” bởi “cảm xúc mãnh liệt” nhưng giữa Goji (Abra) và Atom lại có sự khác biệt như vậy thì chúng ta cùng đi đến phần cuối cùng của bài.
LÝ TRÍ VÀ PHI LÝ TRÍ, LIỆU CÓ SỰ HÒA GIẢI?
Hòa giải là theme trọng tâm trong xuyên suốt các truyện của Tezuka. Sự xung đột, mâu thuẫn giữa các giống loài trong vũ trụ Tezuka không bao giờ đi theo kiểu “giống loài bị áp bức, kì thị được tự do bằng cách tiêu diệt giống loài áp bức, kì thị ”. Trong Ambasssador Atom (tiền thân của Astroboy), Trái Đất và hành tinh X có dân số y hệt nhau, kiểu như một thế giới song song. Người dân bên X sau bao năm chu du khắp vũ trụ cuối cùng cũng tìm được bến đỗ là Trái Đất. Thế nhưng ngay lập tức nảy sinh mâu thuẫn, nếu Trái Đất đón nhận những người này thì sẽ nảy sinh khủng hoảng lương thực. Theo lý trí, sẽ là hợp lý nếu người Trái Đất giết sạch những người bên X để cứu lấy chính họ. Với cách lập luận này, kể cả giết người vẫn có thể xem là đúng, là đạo đức. Nhưng Tezuka chọn cách khác. Ông ta cho 50% dân số Trái Đất và 50% dân số bên X ở lại mặt đất, còn số còn lại thì di cư lên sao Hỏa.
Một ví dụ khác có thể kể đến là đoạn hội thoại giữa bác sĩ và Shougo trong Apollo no Uta:
“Cậu có nghĩ ta là người tốt không, Shougo?
Ta từng giết 4 người lính bên địch và một trong số đó chỉ mới là một cậu bé...”
“Nhưng đó là chiến tranh!”
“Phải! Và nó chẳng làm ta bận tâm dù chỉ một chút. Ta chẳng cảm thấy tội lỗi, thậm chí còn thoải mái. Cậu gọi đó là tốt ư?
Trên thế giới này, có nhiều điều có thể khiến con người trở nên điên loạn. Kể cả những người tốt nhất vẫn có thể đánh mất bản thân họ trong những trường hợp khó lường nhất. Nhưng chừng nào, dù chỉ là số nhỏ trong chúng ta, vẫn giữ được tỉnh táo thì nhân loại vẫn còn có hi vọng!”
“Shougo! Chiến đấu đi! Chống lại sự điên loạn trong trái tim cậu! Và cho cả lương tri của cậu nữa!”
Người ta hay cho rằng luật Robot của Issac Asimov (tác giả I, robot kinh điển) tạo cảm hứng cho luật Robot trong Astroboy. Có thể, dù Tezuka từng phủ nhận điều này. Nhưng có sự khác biệt lớn giữa cách vận hành 2 bộ luật. Luật của Asimov có 3 điều (1/ Robot không được gây hại cho con người, 2/Robot phải phục tùng con người, 3/Robot được quyền tự bảo vệ bản thân) hoạt động dựa theo hệ thống cấp bậc phân tầng (hierarchy), tức điều 1 cao hơn điều 2 cao hơn điều 3 và quy tắc không mâu thuẫn (non-contradiction). Bạn có thể ra lệnh cho robot làm gì cũng được, miễn là nó không mâu thuẫn với điều 1, tức gây hại cho con người. Robot có thể tự bảo vệ bản thân nó, miễn là việc này không mâu thuẫn với mệnh lệnh của con người.
Ta nhìn vào bộ luật Robot trong Astroboy lẫn Pluto, 2 điều đầu tiên cũng tương tự với luật của Asimov. Thế nhưng điều khác biệt là Tezuka lẫn Naoki chưa từng làm rõ hay thậm chí bỏ trống nguyên tắc hoạt động của bộ luật. Do không dùng quy tắc không mâu thuẫn nên thỉnh thoảng, giữa điều 1 và 2 trong bộ luật sẽ mâu thuẫn lẫn nhau. Naoki thể hiện điều đó qua cuộc chiến tranh Trung-Á giữa Thracia, EU và Persia trong truyện và cuộc chiến này cũng là điểm kết nối câu chuyện của 7 robot tân tiến nhất thế giới (Montblanc, Norse#2, Brando, Hercules, Gesicht là những người tham chiến, Atom là đại sứ hòa bình, còn Epsilon thì từ chối tham gia).
Điều 1 luật Robot phát biểu: “Robot được tạo ra để phục vụ con người.”
Với điều 1 như vậy, rõ ràng, sẽ là logic trong việc robot có “lỡ tay” giết người trong chiến tranh. Vd như robot được lệnh tấn công vào 1 cứ điểm phe địch nhưng sau đó lòi ra là có dân thường trong đó chẳng hạn. Câu hỏi mà Tezuka và sau này là Naoki đặt ra là, trong trường hợp như vậy, cá nhân gây ra tội ác có phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình hay không?
Ta có thể thử lập luận rằng, bởi vì robot không có tự do đích thực (tức điều 1 trong bộ luật) nên nó không có tự do ý chí. Bởi vì hành động của nó không dựa trên tự do ý chí nên không thể quy trách nhiệm hay bất kì gánh nặng đạo đức nào.
Đúng, theo logic, đây hoàn toàn hợp lý. Nhưng Tezuka từ chối thứ logic như vậy. Là một người theo chủ nghĩa tự do nhưng thứ tự do Tezuka theo đuổi không phải là kiểu “muốn làm gì cũng được” mà là tự do theo đuổi những gì bản thân cho là tốt, nhưng cái tự do đó vẫn phải chịu một số quy tắc nhất định, một kiểu luật tự nhiên. Với Tezuka, có một thái độ mà ông duy trì xuyên suốt 40 năm sự nghiệp, một thái độ mà ông ta bảo vệ đến cùng mặc cho độc giả những năm 70, những người trẻ chịu ảnh hưởng bởi các phòng trào cách mạng Đỏ, muốn Atom trở thành cái gì đó bạo lực, thậm chí là giết người. Đó là “trân trọng sự sống”.
Thế nhưng luật “trân trọng sự sống” là một kiểu luật tự nhiên, nó tuy nằm trong mọi sinh vật sống nhưng đôi khi để có thể nhận biết nó, sinh vật đó phải trải qua những “biến cố” hoặc trải nghiệm. Và bằng cách đó, sinh vật mới có thể “trở thành con người”.
Đối với Naoki, đó có lẽ:
Là Montblanc, cố rửa đi rửa lại đôi tay từng tiêu diệt hàng vạn robot, ám ảnh bởi tội lỗi dù anh ta chỉ phục tùng mệnh lệnh.
Là Norse#2, giấu những khí tài chết chóc dưới lớp áo choàng dù chủ nhân anh là một người không nhìn thấy ánh sáng. “Lý do tôi muốn học Piano là vì... tôi không muốn trở lại chiến trường.”
Với Brando đó là gia đình, còn Hercules là sự “chùn tay” bởi anh đã giết quá nhiều.
Khi Robita chập chững những bước đầu tiên, Gesicht bảo:
“Giờ, anh thực sự đã hiểu được ý nghĩa của cuộc sống...và nó chính là đây.”
Và đó cũng là đôi bàn tay ấm áp che chở cho Wassily của Epsilon.
Atom là nhân vật cuối cùng trong “7 robot tân tiến nhất” trở thành “con người” khi nó quyết định tha thứ cho Pluto và bởi quyết định đó mà cả loài người lẫn robot đã có thêm chút thời gian. Trước khi bánh xe thù hận bắt đầu chuyển động, một lần nữa...
Khi Nietzsche tuyên bố rằng, “God đã chết”, ông ta không vui mừng, mà còn lo sợ rằng một thời đại hư vô sắp tới sẽ hủy diệt tất cả, bởi con người đã chẳng còn bất kì điểm tựa nào cho luân lý và đạo đức. Tuy nhiên, Nietzsche đặt niềm tin vào con người, ông ta ban cho họ cái gọi là “overman”, một niềm tin rằng con người có thể tự tạo nên những nền tảng mới của riêng họ.
Nhưng tôi hoài nghi với sự lạc quan của ông ta. Do vậy, tôi quay về với những Fyodor Dostoevsky, Osamu Tezuka hay Naoki Urasawa, những người tin rằng có những nguyên tắc hay giá trị bất biến dù có ra sao đi chăng nữa và chính chúng là thứ giúp chúng ta giữ được lương tri, trở thành “con người” đúng nghĩa. Với tôi, Pluto là một tác phẩm truyền tải được những giá trị như thế.
#Atom
ABOUT THE AUTHOR
tôi là ai . tỉnh nguyễn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét